Đề án thành lập thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM dựa trên sự sát nhập 3 quận tại khu Đông là quận 2, quận 9 và Thủ Đức đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây cũng đã đồng ý chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức.
Theo đề án của TP.HCM thành phố mới Thủ Đức được thành lập sẽ có diện tích hơn 211km2 với dân số hơn 1,1 triệu người.
Theo nhiều chuyên gia, trong số những ưu điểm của thành phố Thủ Đức so với những khu vực khác chính là nhờ hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ. Đối với bất động sản, quỹ đất dọc theo những tuyến giao thông huyết mạch cũng là “chiếc bánh” đã và đang dược nhiều doanh nghiệp thèm khát.
Hầm Thủ Thiêm – Đại lộ Mai Chí Thọ
Hầm Thủ Thiêm và đại lộ Mai Chí Thọ chính là “ánh sáng” mở lối cho sự phát triển của khu đô thị Thủ Thiêm. Với diện tích 657 ha, bao gồm khu trung tâm thương mại, tài chính, khu dân cư cho khoảng 150.000 người sinh sống và hơn 220.000 người làm việc thường xuyên, Thủ Thiêm sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế của thành phố Thủ Đức trong tương lai.
Hầm Thủ Thiêm được chính thức thông xe vào năm 2011, là hạng mục quan trọng nhất trong dự án xây dựng Đại lộ Đông Tây của TP.HCM. Hầm có chiều dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m, với 6 làn xe lưu thông, mỗi bên 3 làn cho cả ôtô và xe máy. Ngoài ra còn có 2 làn đường thoát hiểm hai bên. Tốc độ thiết kế đạt 60 km/giờ. Thời điểm thông xe, hầm Thủ Thiêm có quy mô hiện đại nhất tại Đông Nam Á.
Đại lộ Mai Chí Thọ (đoạn từ hầm Thủ Thiêm đến Xa lộ Hà Nội) dài 9 km, mặt đường rộng 140m là một trong những đại lộ hiện đại bậc nhất tại TP.HCM.
Hiện nay, Thủ Thiêm là nơi cát cứ của hàng loạt ông lớn bất động sản với nhiều dự án tỉ USD đã và đang được triển khai xây dựng. Có thể kể đến một số doanh nghiệp như Đại Quang Minh, NovaLand, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc, Tiến Phước, CII…
Metro số 1 – Xa lộ Hà Nội
Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên và Xa lộ Hà Nội là trục giao thông quan trọng bậc nhất hiện tại và cả trong tương lai của thành phố Thủ Đức.
Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7 km, gồm 2,6 km ngầm và 17,1 km trên cao. Tuyến có tổng cộng 14 ga với 3 ga ngầm 11 ga trên cao và depot Long Bình tại quận 9. Dự án trải dài qua các quận 1, Bình Thạnh, quận 2, Thủ Đức và quận 9. Tổng mức đầu tư dự kiến của toàn tuyến là hơn 44.000 tỉ đồng. Metro số 1 dự kiến sẽ vận hành từ cuối năm 2021.
Xa lộ Hà Nội có quy mô từ 12 – 16 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng. Đến nay, đoạn từ chân cầu Sài Gòn đến Đại học Quốc Gia TP.HCM đã cơ bản hoàn thành. Đoạn còn lại từ Đại học Quốc gia đến Tân Vạn sẽ tiếp tục được triển khai mở rộng.
Metro số 1 và xa lộ Hà Nội kết nối từ trung tâm TP.HCM đi qua các khu vực trọng điểm của Thành phố Thủ Đức gồm Thủ Thiêm, khu trung tâm Trường Thọ, khu công nghệ cao, làng đại học…
Dọc tuyến metro số 1 và xa lộ Hà Nội hiện nay đã và đang mọc lên rất nhiều dự án bất động sản của những doanh nghiệp như Đất Xanh, Him Lam, Thủ Đức House, Hưng Thịnh, CT Group, Bcons, Kim Oanh…
Gần đây, trên tuyến giao thông huyết mạch này, gây chú ý hơn cả là khu đất vàng có quy mô khoảng 30ha nằm tại Trường Thọ – trung tâm của thành phố Thủ Đức được cho là đã về tay của ông lớn Refico.
Cụ thể, khu đất 30ha này dự kiến bao gồm khu đất cảng ICD Sotrans hơn 10ha của STG; khu đất nhà máy Công ty CP Thép Thủ Đức VNSTEEL; khu đất 10,6ha hiện là Trạm nghiền Thủ Đức chi nhánh Công ty Cổ phần Xi Măng Hà Tiên 1 và khu đất 0,8ha hiện là văn phòng và nhà xưởng của Công ty Vận tải Hà Tiên. Sau khi những cơ sở này di dời, trên khu đất sẽ hình thành nên một dự án đô thị phức hợp tầm cỡ.
Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây
Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được khởi công xây dựng vào cuối năm 2009 với quy mô bốn làn xe, dài hơn 55 km có điểm đầu tại quận 2 (TP.HCM) và kết thúc tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Tổng vốn đầu tư dự án là 20.630 tỉ đồng. Dự án được thông xe toàn tuyến vào năm 2015.
Mới đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đồng ý lập dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành lên 10 làn xe.
Trong đó, giai đoạn 2021-2030, đoạn từ nút giao An Phú (TP.HCM) đến thị trấn Long Thành (Đồng Nai) sẽ mở rộng 8-10 làn xe. Đoạn còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây giữ nguyên 4 làn xe.
Kể từ khi hình thành cao tốc TP.HCM – Long Thành cũng tạo ra sức hút đặc biệt cho thị trường bất động sản khu vực. Hiện nay, dọc theo hai bên cao tốc phía đầu quận 2 là quỹ đất đang được thâu tóm với những ông lớn như Khang Điền, Đất Xanh, Tiến Phước….
Đại lộ Phạm Văn Đồng
Được khởi công từ tháng 6/2008, tuyến đường Phạm Văn Đồng có tổng số vốn đầu tư 340 triệu USD đã được thông xe vào năm 2016 được ví như đại lộ đẹp nhất Sài Gòn.
Đường Phạm Văn Đồng có tổng chiều dài gần 14 km, bắt đầu từ nút giao thông Trường Sơn (sân bay Tân Sơn Nhất) đến quốc lộ 1A, với mặt đường rộng 30 – 65 m (tương đương 6 – 12 làn xe). Tuyến đường kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1A và quốc lộ 1K, đi qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Theo khảo sát của CafeLand, Đất Xanh Group hiện đang là “ông trùm” trên tuyến đường này bởi số lượng dự án mà doanh nghiệp này đang nắm giữ. Công ty này đang có năm dự án nằm mặt tiền hoặc lân cận đại lộ Phạm Văn Đồng. Trong số đó, Opal Graden và Opal Riverside đã được bàn giao cho khách hàng. Ba dự án còn lại là Opal Skyview và Opal Tower, Opal Boulevard đang được tập toàn này triển khai xây dựng.
Nam Long cũng góp mặt trên tuyến đường này với dự án Flora Novita đã hoàn thiện. Bên cạnh là Phú Đông Group với các dự án Him Lam Phú Đông và Phú Đông Primer.
Không chỉ riêng tại TP.HCM, đại lộ Phạm Văn Đồng cắt ngang quốc lộ 1A và nối dài với quốc lộ 1k đã tạo nên trục giao thông huyết mạch, nối TP.HCM với thành phố Dĩ An của tỉnh Bình Dương. Sự kết nói đó đang tạo nên sức bật cho nhiều dự án bất động sản tại khu vực này.